banner
Thứ 4, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn huyện Ia H’Drai ứng phó với dịch Covid-19
1-4-2020

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Phương án số 389/PA-SCT ngày 24/03/2020 về đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch Covid-19;

Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn ứng phó với dịch bệnh Covid -19 như sau:

A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Đảm bảo cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ đời sống, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, kể cả khi dịch bệnh lan rộng.

- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tạo nguồn hàng, tăng lượng dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân.

- Kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu với mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực bị cách ly do dịch bệnh (nếu có).

B. DỰ BÁO TÌNH HUỐNG

Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm và đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn huyện, có thể giả định, đánh giá tình hình thị trường, cung ứng hàng hóa hàng hóa theo 05 cấp độ của dịch bệnh Covid-19, cụ thể:

1. Cấp độ 1- Có trường hợp bệnh xâm nhập và Cấp độ 2 - khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn huyện: Hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, một số bộ phận người dân có tâm lý hoang mang sẽ mua hàng hóa tích trữ gây hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, dự trữ giả định tăng 20-30%.

2. Cấp độ 3, cấp độ 4- Dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện với khoảng 50 trường hợp mắc: Lượng lao động tham gia trực trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm do bị nhiễm bệnh hoặc do lo sợ bị bệnh, không đi làm; dẫn đến hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa cho thị trường chậm. Bên cạnh đó, sức mua của người dân cho nhu cầu dự trữ giả định tăng từ 30% - 55%.

3. Cấp độ 5- Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với khoảng 100 trường hợp mắc

- Xuất hiện các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực bị cách ly giả định ngừng hoạt động, cần sự hỗ trợ và cung cấp trực tiếp về thực phẩm thiết yếu và hàng hóa phục vụ sinh hoạt cho các khu vực này. Tập trung cung cấp thực phẩm cho các khu vực bị cách ly dự trữ giả định tăng từ 55-70%.

- Tại các khu vực khác: lượng khách mua sắm giảm do lo sợ về dịch bệnh nên hạn chế đi lại, lượng mua tăng do nhu cầu tích trữ.

C. NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. Kịch bản đảm bảo hàng hóa (Có Biểu tổng hợp kèm theo)

1. Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh (cấp độ 1, cấp độ 2)

Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường theo các cấp độ của dịch bệnh, để cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của nhân dân trên địa bàn, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 20% -30% so với nhu cầu bình thường của người dân trong 14 ngày cách ly, tính toán lượng tăng thêm cụ thể: Gạo 31,09 tấn; thịt lợn 2,33 tấn; thịt gà 2,59 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2,69 tấn; rau, củ 16,58 tấn; muối ăn 0,26 tấn; trứng gia cầm 25.910 quả; mì tôm 103.631 gói; dầu ăn 1.554,46 lít; nước đóng chai 103.631 lít; khẩu trang kháng khuẩn 11.103 chiếc; nước sát khuẩn 370 lít; giấy vệ sinh 3.701 cuộn.

2. Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly (cấp độ 3, cấp độ 4)

Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường của các cấp độ của dịch bệnh, để cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của nhân dân trên địa bàn, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30-55% so với nhu cầu bình thường của người dân trong 14 ngày cách ly, tính toán lượng tăng thêm cụ thể: Gạo 57,0 tấn; thịt lợn 4,27 tấn; thịt gà 4,75 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 4,94 tấn; rau, củ 30,4 tấn; muối ăn 0,47 tấn; trứng gia cầm 47.500 quả; mì tôm 189.990 gói; dầu ăn 2.849,85 lít; nước đóng chai 189.990 lít; khẩu trang kháng khuẩn 20.356 chiếc; nước sát khuẩn 679 lít; giấy vệ sinh 6.785 cuộn.

3. Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly (cấp độ 5)

Căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường của các cấp độ của dịch bệnh, để cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của nhân dân trên địa bàn, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 55-70% so với nhu cầu bình thường của người dân trong 14 ngày cách ly, tính toán lượng tăng thêm cụ thể: Gạo 72,54 tấn; thịt lợn 5,44 tấn; thịt gà 6,05 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 6,29 tấn; rau, củ 38,69 tấn; muối ăn 0,60 tấn; trứng gia cầm 60.450 quả; mì tôm 241.805 gói; dầu ăn 3.627 lít; nước đóng chai 241.805 lít; khẩu trang kháng khuẩn 25.908 chiếc; nước sát khuẩn 864 lít; giấy vệ sinh 8.636 cuộn.

II. Kịch bản ứng phó khi xảy ra dịch Covid-19

1. Công tác triển khai thường xuyên

Giao Ủy ban nhân dân các xã và các Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan:

- Phân công cán bộ, công chức thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra dịch bệnh và diễn biến tình hình của dịch bệnh trên địa bàn. Khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

- Đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu cao khi có dịch trong hệ thống phân phối để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị kết nối cung cầu đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

 - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để nắm chắc nguồn cung cầu hàng hóa, tình hình diễn biến của dịch bệnh, đẩy mạnh kết nối, kêu gọi hỗ trợ đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên địa bàn về công tác chuẩn bị, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, đồng thời kêu gọi người dân không mua gom, tích trữ hàng hóa tránh gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ chống dịch và mặt hàng thiết yếu.

2. Kịch bản ứng phó đối với từng cấp độ của dịch Covid-19

2.1. Cấp độ số 1 và cấp độ 2: Đảm bảo hàng hóa khi có trường hợp bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn huyện

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các xã tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, buôn bán đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, ổn định tâm lý người dân không mua hàng hóa tích trữ. Ủy ban nhân dân các xã báo cáo thường xuyên, đột xuất khi có hiện tượng Nhân dân mua tăng đột biến tập trung vào một số mặt hàng.

- Ban Chỉ đạo 389 huyện tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.

- Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Y tế huyện, Ủy ban nhân dân các xã nắm các vùng dịch bệnh và địa bàn cách ly để xác định khu vực phục vụ nhân dân.

2.2. Cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5: Khi dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện

- Thông qua việc nắm bắt thông tin và báo cáo của các cơ quan, đơn vị, xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng, khả năng cung ứng của các cơ sở kinh doanh, buôn bán nhóm hàng có sức mua tăng cao.

+ Trường hợp nguồn cung các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đề nghị các cơ sở không găm hàng, tăng giá; đồng thời kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa.

+ Trường hợp tại một số điểm bán xảy ra hiện tượng thiếu hàng, xác định ngay địa điểm xảy ra thiếu hàng, loại hàng thiếu để kịp thời giải quyết hoặc Ủy ban nhân dân báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở, ngành của tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong phân phối đưa hàng đến khu vực thiếu để cung ứng phục vụ người dân. Đề nghị các cơ sở không găm hàng, tổ chức điều tiết, bán ra hợp lý (hạn chế số lượng mua hàng) đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng phương án mua dự trữ hàng hóa và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân khu vực cách ly khi dịch bệnh xảy ra ở cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành là cơ quan quản lý trực tiếp các mặt hàng đang thiếu để chỉ đạo các đơn vị sản xuất kết nối ngay với các cơ sở kinh doanh, buôn bán trên địa bàn huyện, điều động hàng hóa đến các vị trí thiếu hàng.

- Ban Chỉ đạo 389 huyện tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn mua hàng đủ tiêu dùng, không gom hàng, tích trữ hàng hóa để nhường cho người khác được mua sắm phục vụ nhu cầu hàng ngày

* Trường hợp có khu vực bị khoanh vùng cách ly:

- Rà soát, thống kê số lượng người, nhu cầu cần phục vụ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao tại khu vực bị cách ly để xác định phương án, phương thức cung cấp hàng hóa đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân.

- Yêu cầu các cơ quan, đơn vị:

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các xe chuyên chở hàng hóa đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly vì dịch để cung ứng cho người dân.

+ Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí kinh phí hoặc đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí mua dự trữ hàng hóa cung ứng cho nhân dân khu vực bị cách ly do dịch bệnh và hướng dẫn thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí mua dự trữ, vận chuyển hàng hóa theo quy định.

+ Ủy ban nhân dân các xã có khu vực bị khoanh vùng cách ly, điều động nhân lực và phương tiện tiếp nhận, cung ứng hàng hóa cho người dân tại khu vực bị cách ly.

- Đề nghị các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có nguồn cung hàng hóa dồi dào, không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hỗ trợ việc giới thiệu nguồn hàng hóa để khai thác, đưa về huyện Ia H’Drai phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Ban Chỉ đạo 389 huyện

Thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến các hàng hóa trên địa bàn theo quy định Nhà nước hiện hành.

II. Phòng Kinh tế và Hạ tầng

- Theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao mùa dịch bệnh để kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Theo dõi, nắm bắt và báo cáo thường xuyên về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ nhân dân trong thời gian ứng phó với dịch Covid-19.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình nguồn cung, giá cả và các thông tin liên quan đến các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng phục vụ nhân dân để tăng cường hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, buôn bán tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có dịch bệnh xảy ra, đồng thời kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm tình hình dịch bệnh tại các xã, các khu vực mà huyện bố trí cách ly để chủ động cung ứng hàng hóa ngay khi cấp độ 3, 4 và 5 xảy ra.

- Chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ Nhân dân, các khu vực cách ly đối với trường hợp cấp độ 3, 4, 5 xảy ra và khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu quá khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức điều tiết hàng hóa đến các điểm bán hàng thiếu để phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân.

III. Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Thường xuyên nắm bắt giá cả các loại hàng hóa trên địa bàn huyện, kịp thời phát hiện hành vi tăng giá đột biến, tiến hành xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định nhà nước hiện hành.

- Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng phương án dự trữ hàng hóa và vận chuyển hàng hóa cung ứng cho nhân dân khu vực bị cách ly do dịch bệnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí kinh phí hoặc đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí mua dự trữ hàng hóa cung ứng cho nhân dân khu vực bị cách ly do dịch bệnh.

- Hướng dẫn thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí dự trữ hàng hóa, vận chuyển hàng hóa theo quy định.

IV. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tăng cường theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết để nắm chắc nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản thiết yếu và phối hợp thông tin về nguồn cung các mặt hàng nông sản; phối hợp kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh.

V. Ủy ban nhân dân các xã

- Rà soát, lập danh sách số lượng người, nhu cầu cần phục vụ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao; hàng hóa khan hiếm, hết hàng gửi về Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng tổng hợp) để triển khai việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân.

- Tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, buôn bán đảm bảo nguồn hàng hóa, tổ chức bán hàng sẵn sàng phục vụ nhân dân trong mùa dịch bệnh; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và bố trí về con người, phương tiện sẵn sàng điều phối vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân khi trên địa bàn.

- Chuyển Phương án này đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý để các cơ sở nắm bắt, thực hiện.

VI. Trung tâm Văn hóa - Du lịch - Thể thao và Truyền thông

Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện để nhân dân trên địa bàn nắm bắt về tình hình dịch, không mua gom, tích trữ hàng hóa, gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Đồng thời đăng tải Phương án này lên Trang thông tin điện tử của huyện.

VII. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

- Tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên suốt, liên tục; Kịp thời báo cáo những hàng hóa khan hiếm, hết hàng cho Ủy ban nhân dân xã nắm bắt, tổng hợp; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.

- Kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa. Nếu có nhu cầu vay vốn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án gửi về Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ nguồn ngân sách.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt khi có xảy ra trên diện rộng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghiên cứu tổ chức phương thức bán hàng online, phát huy kênh phân phối thương mại điện tử nhằm đưa hàng hóa hiệu quả đến tay người tiêu dùng, giảm bán hàng trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh bị lây nhiễm, tạo tiền phát triển thương mại điện tử trên địa bàn huyện.

Trên đây là Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn huyện ứng phó với dịch Covid-19 gây ra. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tổ chức, triển khai thực hiện./.

 

Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện
Số lượt xem:727
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 1042 Số người online:
Phát triển:TNC