banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
24-8-2021

Sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý giá, trong đó có nghệ thuật dùng người và đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng. Nhiều đồng chí cán bộ được Người trực tiếp giáo dục, rèn luyện đã trở thành học trò xuất sắc, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị rất chu đáo cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cùng với truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của mình vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, xây dựng các tổ chức tiền thân của Đảng, Người còn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng. Bởi vì, theo Người: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Theo đó, nắm vững tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho cách mạng nước ta một thế hệ cán bộ vô cùng kiên trung, bản lĩnh, trí tuệ, trong thế hệ cán bộ ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Người, có thể diễn đạt trên một số phương diện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Võ Nguyên Giáp - cuộc gặp lịch sử với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành người cộng sản phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng giải phóng dân tộc

Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã sớm tham gia hoạt động cách mạng và tham gia các phong trào: Xô viết Nghệ tĩnh, dân chủ bán hợp pháp, Đông Dương đại hội, Ban báo chí Bắc kỳ, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh… Đến tháng 4-1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ thông báo quyết định của Đảng, hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đến Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam Trung Quốc) gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để nhận nhiệm vụ. Tại đây, Võ Nguyên Giáp đã được Người căn dặn “Phải tranh thủ học tập về quân sự”(2) để phục vụ cách mạng. Sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 6-1940), Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí khác tham gia lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho số cán bộ cách mạng của ta. Dưới sự hướng dẫn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã từng bước trưởng thành cả về chính trị, quân sự và hoạt động tích cực, sôi nổi trong phong trào cách mạng, nhất là công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuộc gặp lịch sử với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành cộng sản, nguyện phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã gắn cuộc đời của Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, rèn luyện, “dạy đạo làm tướng” và trở thành Đại tướng của nhân dân

Sớm nhận định: cách mạng Đông Dương phải thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang mới giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết phải tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động. Người đã giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện dạy “đạo làm tướng”. Và người học trò ấy đã thấm nhuần lời dạy của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”(3). Những phẩm chất ấy đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp học tập, rèn luyện, trải nghiệm qua cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu và chiến thắng quân đội của các nước lớn nhất trên thế giới ở thế kỷ XX và trở thành vị Đại tướng của nhân dân, “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã sớm thấm nhuần trong tư duy của Võ Nguyên Giáp, nhất là những vấn đề về “Chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước, súng sau”, “coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động quân sự”, “dựa vào dân, có dân là có tất cả”, “chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”, “giữ vững thế tiến công”, “xây dựng hậu phương vững mạnh”…được Võ Nguyên Giáp vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình chỉ huy các chiến dịch và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giao phó  

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giáo dục, rèn luyện và trao cho nhiều trọng trách trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao. Trên lĩnh vực quân sự, Đại tướng được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách: Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Có những thời điểm quyết định, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ “Tướng quân tại ngoại, toàn quyền quyết định”, “trận này rất quan trọng, đã đánh phải thắng, chắc thắng thì mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Người học trò ấy đã dồn hết tâm sức, trí tuệ để nghiên cứu, suy ngẫm thấu đáo và đưa ra quyết định “khó khăn nhất” cuộc đời làm tướng của mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Và đã giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954. Nắm vững nghệ thuật quân sự luôn giữ vững thế chiến lược tiến công mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, khi thời cơ đến, Đại tướng đã chỉ đạo “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”(4). Sự chỉ đạo ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975. Cùng với lĩnh vực quân sự, trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao được Đảng, Nhà nước giao nhiều cương vị quan trọng. Năm 1945, được giao cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm Nội chính và Công an). Năm 1951, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị (tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa III, IV, V, VI); là Phó thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (9/1955-12/1979, 1/1980-12/1986), Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp cho sư nghiệp xây dựng, kiến thiết nước nhà và bảo vệ Tổ quốc. Trên lĩnh vực ngoại giao, Đại tướng đã có những đóng góp rất quan trọng ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như: tiếp xúc với với Phái bộ Mỹ, cuộc “chạm chán” với J.Xanh-tơ-ry chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6-3-1946; gặp gỡ với tướng Lơ-clec sau khi ký Hiệp định Sơ bộ; cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… Trong tất cả những cuộc gặp gỡ đó, Đại tướng đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh năm 1962

Thứ tư, suốt đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập ý chí, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội ta, luôn gần gũi, ghi nhớ, noi gương và thực hành lười căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”…Do đó, ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất, nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và để lại trong lòng nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư. Đồng thời, Đại tướng luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, liên hệ và gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt công việc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Thứ năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu, tổng kết tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống

Không chỉ thấm nhuần, thực hành, noi gương người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, đã góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi” và nhiều tác phẩm khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới.

Tóm lại, với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là thực tiễn sinh động khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi mãi là tấm gương sáng ngời để đồng bào, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo./. 

------------------

Tài liệu tham khảo

- (1), (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 594.

- (2). Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.61.

- (4). Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt của thế kỷ XX, Hà Nội, 2013, tr.34.

 

Tin: Thanh Xuân
Số lượt xem:12621
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 599 Số người online:
Phát triển:TNC