banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Báo cáo Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số tháng 8/2023
6-9-2023

Theo Báo cáo Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số tháng 8/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 20/7/2023 đến ngày 20/8/2023, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 668.669 văn bản.

Về Chính phủ số

Công tác chỉ đạo, điều hành, thể chế số

Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu cụ thể từng bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện một số nội dung trọng tâm về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia, trong đó:

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu (CSDL) an sinh xã hội, kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo chi trả qua tài khoản cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money,…) từ ngân sách nhà nước, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, kịp thời;

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh 02 dịch vụ liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí”. Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên VNeID, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên các ứng dụng VNeID và có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng với tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID hàng tháng tăng từ 3% - 5%;

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng phục vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương;

Giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các bộ, ngành, địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nhận thức số

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 hằng năm, các địa phương đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh, thành phố gắn với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. 

Ngày 30/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phát triển kinh tế số và cách khắc phục, tháo gỡ, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả.

Hạ tầng số

Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 79,35%, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 78%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,66 Mbps, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 48,29 Mbps, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021 - 2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022 - 2023. 

Về triển khai thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, tiếp tục đạt được mục tiêu về việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như bảo đảm việc thí điểm dịch vụ an toàn, đúng quy định. Đến nay, đã có 11.101 điểm kinh doanh đã được thiết lập, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 168.856 đơn vị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện nước, giáo dục, viễn thông; Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 37,1 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 2.017 tỷ đồng.

Dữ liệu số

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP): Đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; 09 CSDL và 14 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 372.108.890 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,55 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,44 tỷ giao dịch. Đến nay, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 32 bộ, ngành và 63 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 57 địa phương.

CSDL quốc gia về dân cư: Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Bộ Công an đã cấp trên 83,76 triệu thẻ CCCD gắn chíp. Phê duyệt 54,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử (tăng 6,9 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng); trong đó, đã kích hoạt trên 37,86 triệu tài khoản (chiếm 63,5% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 15,76 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 21 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước(1).

CSDL về bảo hiểm: Tính đến ngày 18/8/2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã xác thực thông tin của 90.141.567 nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư; BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp 2 dịch vụ công liên thông (Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí); kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày, thống kê tình hình hỗ trợ các nhóm đối tượng tại chương I, II, III Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, dữ liệu từ BHXH cấp huyện trở lên được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 18/8/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 44.167.999 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 9.112.842 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định (đã có 5.194.558 trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan BHXH để cấp thẻ bảo hiểm y tế); 11.148.225 dữ liệu kết hôn; 9.653.224 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 7.606.594 dữ liệu khai tử; 277.768 trường hợp nhận cha mẹ con; 19.115 trường hợp đăng ký giám hộ; 15.318 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 841.468 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

CSDL quốc gia về đất đai: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai xây dựng CSDL đất đai, trong đó có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng CSDL địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” với 231 huyện của 28 tỉnh.

CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc và không ngừng được hoàn thiện; đến hết Quý II/2023, đã kết nối với 12 bộ, ngành(2) và 63/63 địa phương phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành.

CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức: đến nay đã cơ bản hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với trên 95% các cơ quan, đơn vị.

Ứng dụng nội bộ và dịch vụ công trực tuyến

Trục liên thông văn bản quốc gia: Từ ngày 20/7/2023 đến ngày 20/8/2023, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 668.669 văn bản (gửi: 125.432, nhận: 543.237). Trong 8 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 4,8 triệu văn bản. Tính đến nay đã khoảng 24,6 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Từ ngày 20/7/2023 đến ngày 20/8/2023, Hệ thống đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 46 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 11 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Đến nay, Hệ thống đã phục vụ 79 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.780 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 607 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 8/2023, đã xây dựng 01 Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định ban hành Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; đôn đốc các địa phương cập nhật dữ liệu về niên giám thống kê; chỉnh sửa, nâng cấp giao diện của Hệ thống...

Tiếp tục xây dựng Kho dữ liệu tổng hợp của Hệ thống. Trong tháng đã cập nhật được 618 file dữ liệu lên Hệ thống. Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu thử nghiệm về thu - chi ngân sách với một số địa phương (Quảng Ninh, Lâm Đồng). Tiếp tục xây dựng và cập nhật kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cổng Dịch vụ công quốc gia: Từ 20/7/2023 đến 20/8/2023, Cổng đã có hơn 608 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 8,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,5 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 2,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 2,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 503 tỷ đồng. Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.448 dịch vụ công trực tuyến, có hơn 9,1 triệu tài khoản, hơn 233 triệu hồ sơ đồng bộ, hơn 20,7 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, 24,5 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng, trên 15,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7,142 nghìn tỷ đồng, hơn 343 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với 53 dịch vụ công thiết yếu, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022, hiện còn 18/28 thủ tục, nhóm TTHC thuộc trách nhiệm của 08 bộ, ngành, cơ quan chưa hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Kể từ khi triển khai chính thức trên toàn quốc 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đến nay, trên cả nước đã có 42.696 hồ sơ liên thông khai sinh (gồm có: 2.064 hồ sơ mới đăng ký; 415 hồ sơ đã tiếp nhận; 9.442 hồ sơ đang xử lý; 12.625 hồ sơ xử lý xong; 13.429 hồ sơ đã trả kết quả; từ chối tiếp nhận 4.720 hồ sơ) và 4.115 hồ sơ liên thông khai tử (gồm: 216 hồ sơ mới đăng ký; 53 hồ sơ đã tiếp nhận; 982 hồ sơ đang xử lý; 1.178 hồ sơ đã xử lý xong; 1.371 hồ sơ đã trả kết quả và từ chối tiếp nhận 314 hồ sơ); trong đó, một số địa phương có số lượng hồ sơ phát sinh lớn như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An. Qua việc thực hiện liên thông điện tử giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện chi phí đi lại (nhóm khai sinh từ 21 ngày làm việc giảm xuống còn 04 ngày làm việc; nhóm khai tử từ 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc) được người dân ủng hộ, đồng tình cao. Việc sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt công việc, tác nghiệp của cán bộ cơ sở khi thực hiện liên thông TTHC.

Nguồn nhân lực số

Ngày 21/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1580/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số năm 2023 gồm 12 khóa học nhằm bồi dưỡng, tập huấn cho từng đối tượng phù hợp, bám sát chủ đề Năm Dữ liệu số quốc gia. 

Triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.818 Tổ Công nghệ số cộng đồng và 351.159 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. 

An toàn, an ninh mạng

Tính tới hết ngày 18/8/2023, Hệ thống thông tin (HTTT) của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn HTTT là 1.949 HTTT/tổng số 3.094 HTTT trên toàn quốc, tăng 107,3% cùng kỳ tháng 8/2022 (940 HTTT được phê duyệt cấp độ).

Trong tháng 8/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.402 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 67,6% so với tháng 7/2023, tăng 54,6% so với cùng kỳ tháng 8/2022.

Về Kinh tế số, Xã hội số

Ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP trong Quý II/2023 đạt khoảng 14,96%. Đến hết ngày 11/8/2023, số lượt doanh nghiệp SME (Small and Medium Enterprise) tiếp cận Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số là 925.268 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 149.338 doanh nghiệp.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, có khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng, trong đó: Nền tảng có số lượng người dùng đông nhất đã đạt gần 75 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng; xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở 02 nhóm nền tảng số là thanh toán số và giải trí. Đáng chú ý nhất có 02 nền tảng dịch vụ công của cơ quan chính phủ là VNeID ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng (tăng 05 triệu người dùng người dùng so với cùng kỳ năm 2022) và VssID có 7,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng. Tính đến ngày 01/8/2023, đã có 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CACC) được cấp phép, trong đó 02 CACC được cấp phép Mobile PKI (Ký số trên SIM) và 10 CACC được cấp phép Remote Signing (Ký số từ xa). Tổng số chứng thư số ký số từ xa đang hoạt động là 188.070./.

Nguồn: caicachhanhchinh.gov.vn
Số lượt xem:897
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 2615 Số người online:
Phát triển:TNC